Nếu bạn uống sữa tươi bị tiêu chảy, ngoài chất lượng sữa thì nguyên nhân còn lại có thể do cơ địa. Tình trạng không dung nạp lactose và dị ứng sữa có thể là thủ phạm chính gây ra tình trạng tiêu chảy. Hai rối loạn này nghe có vẻ giống nhau nhưng lại khác biệt về cơ chế bệnh sinh và đều gây tiêu chảy sau khi tiêu thụ sữa.
Nguyên nhân uống sữa tươi bị tiêu chảy
Uống sữa tươi bị tiêu chảy do không dung nạp Lactose
Lactose là loại đường đôi xuất hiện nhiều trong sữa (cả sữa mẹ và sữa bò). Đường lactose khi vào đến ruột non sẽ được men lactase phân chia thành 2 loại đường đơn (galactose và glucose) hấp thu vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó, đường lactose và men lactase không cân xứng (lượng lactose nhiều vượt ngưỡng khả năng tiêu hóa của men lactase) thì sẽ dẫn tới tình trạng kém hấp thu lactose, gây ra các triệu chứng như: đau bụng, đầy hơi và đi ngoài lỏng (tiêu chảy). 3 triệu chứng này gọi là tình trạng không dung nạp lactose.
Triệu chứng khó chịu trên thường diễn ra từ 15 phút đến vài giờ sau khi dùng các sản phẩm từ sữa có chứa đường lactose (sữa tươi, sữa chua, sữa đóng hộp...). Tùy vào lượng lactose đưa vào cơ thể và tình trạng cơ địa của người dùng mà triệu chứng đau bụng, tiêu chảy sẽ diễn ra với mức độ khác nhau.
Mặc dù tình trạng này không được xem là nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất ở trẻ nhỏ, dễ nhiễm trùng do giảm sức đề kháng.
Uống sữa tươi bị tiêu chảy do dị ứng sữa
Dị ứng sữa là tình trạng xảy ra khi cơ thể có phản ứng với một loại protein có trong sữa (như chất whey hoặc casein) và gây ra tình trạng tiêu chảy. Sữa của bất kỳ động vật có vú nào cũng có thể gây ra tình trạng dị ứng này, nhưng sữa bò là nguyên nhân phổ biến nhất.
Các phản ứng như khó thở, nôn, nổi mề đay... sẽ xuất hiện trong khoảng từ 5 phút đến 3 giờ sau khi ăn hoặc dùng thức ăn chứa sữa.
Ngoài tiêu chảy, các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm: Đau bụng, đi ngoài lẫn máu, ho, chảy nước mũi, phát ban da...
Làm sao để phân biệt không dung nạp lactose và dị ứng sữa?
Nếu cơ thể bạn không dung nạp lactose chứng tỏ bạn gặp khó khăn khi tiêu hóa đường có trong sữa. Đây là một vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên, dị ứng sữa lại có liên quan đến hoạt động miễn dịch. Cụ thể, trong trường hợp này các kháng thể IgE (globulin miễn dịch) nhận nhầm các protein trong sữa như chất lạ và tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể, gây ra đáp ứng miễn dịch.
Không dung nạp lactose và dị ứng sữa nghe có vẻ giống nhau nhưng thực sự rất khác nhau, người bệnh không nên tự chẩn đoán. Uống sữa tươi bị tiêu chảy, ăn sữa chua bị tiêu chảy đều là triệu chứng của cả 2 rối loạn trên và chỉ có bác sĩ mới có thể xác định được bạn đang mắc phải loại bệnh nào.
Tiêu chảy có nên uống sữa? Các phòng ngừa tiêu chảy khi dùng các sản phẩm từ sữa
Nếu bạn uống sữa tươi bị tiêu chảy do dị ứng sữa, cách duy nhất là kiêng sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để xác định loại sản phẩm từ sữa nào nên tránh xa.
Trong trường hợp bạn vô tình ăn một thứ gì đó có chứa sữa, hãy luôn chuẩn bị thuốc kháng Histamin sẵn trong người để dùng mỗi khi cần để ngăn chặn phản ứng dị ứng.
Trong trường hợp dị ứng sữa nghiêm trọng, bạn có thể bị sưng phù cổ họng và các đường dẫn khí, gây khó thở cấp, sốc quá mẫn. Để cấp cứu kịp thời, bạn cần mang theo thuốc mà bác sĩ chỉ định hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Đối với trẻ uống sữa tươi bị tiêu chảy do bất dung nạp lactose, nhiều bậc cha mẹ giữ quan niệm là nên loại bỏ sữa và các chế phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn của con. Đây là quan điểm chưa đúng, bởi còn tùy thuộc vào sản phẩm sữa trẻ đang dùng. Nếu đột ngột ngừng sữa có thể khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng và kém phát triển. Do vậy, chỉ nên kiêng sữa cho trẻ lớn nếu trẻ uống sữa tươi bị tiêu chảy, còn không hãy tham khảo các loại sữa lactose free (sữa không chứa đường lactose) cho trẻ nhỏ để đảm bảo chất dinh dưỡng. Các dòng sữa lactose free được đặc chế loại bỏ hoàn toàn hoặc chỉ chứa 1 lượng nhỏ đường lactose, nhờ vậy sẽ thân thiện với hệ tiêu hóa của trẻ.