Cà phê là một thức uống thường được sử dụng vào mỗi buổi sáng nhưng liệu cà phê có tác động đến những người mắc bệnh đái tháo đường không? Hãy cùng tìm hiểu tiểu đường uống cà phê được không qua bài viết này nhé.
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường là một bệnh lý mạn tính và được chia làm 2 loại chính:
- Đái tháo đường típ 1 là do cơ thể tự miễn dịch và ngừng sản xuất insulin dẫn đến glucose sẽ tích tụ trong máu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đái tháo đường loại 1 thường được phát hiện rất sớm do có tính di truyền.
- Đái tháo đường típ 2 là do sự suy giảm chức năng của tế bào beta tụy, hoặc đề kháng insulin ở các cơ quan ngoại biên. Điều này khiến các tế bào trong cơ thể giảm sử dụng insulin để đưa đường từ máu vào tế bào, khiến đường huyết tăng cao trong máu.
Lượng đường dư thừa trong máu về lâu dài gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim, giảm thị lực, bệnh lý về thần kinh ngoại biên và bệnh thận.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể gặp như:
- Ăn nhiều, uống nhiều nước, tiểu nhiều và sụt cân: do lượng đường trong máu cao nên cơ thể cần uống nhiều nước và đi tiểu nhiều hơn để đào thải bớt. Nhưng vì không đưa được đường vào cơ thể nên giảm hấp thu năng lượng gây sụt cân.
- Đau, tê hoặc giảm cảm giác ở chân/tay: do đường máu cao có thể gây ra các tổn thương cho dây thần kinh ngoại biên.
- Vết thương lâu lành: do đường máu cao khiến quá trình phục hồi của cơ thể bị chậm lại, vết thương khó lành và dễ bị nhiễm trùng.
Lợi ích của cà phê liên quan đến tiểu đường, tim mạch
Cà phê có thể đem đến nhiều lợi ích ở người chưa mắc tiểu đường như sau:
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Cà phê có chứa polyphenol - một phân tử có đặc tính chống oxy hóa giúp ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm như bệnh tiểu đường tuýp 2 và chống ung thư.
Một nghiên cứu trên hơn 1 triệu người tham gia cho thấy uống 6 tách cà phê dù chứa caffein và không chứa caffein mỗi ngày có thể làm giảm 33% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Chất polyphenol có trong cà phê khi uống 2 - 3 tách mỗi ngày giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm, stress oxy hóa, giữ cho cơ thể có một trái tim khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Nghiên cứu khác cũng báo cáo rằng những người uống 2 cốc cà phê mỗi ngày được bảo vệ cơ thể tới 15% khỏi các vấn đề về tim mạch như suy tim, nhịp tim không đều và bệnh tim mạch vành.
Giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2
Một nghiên cứu theo dõi 5 năm tại Nhật Bản nhận thấy rằng việc tiêu thụ nhiều cà phê và trà xanh có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2.
- 1 tách cà phê mỗi ngày giảm 12% nguy cơ tử vong.
- 2 tách trở lên mỗi ngày giảm 41% nguy cơ tử vong.
- Kết hợp 4 tách trà xanh và 2 tách cà phê trở lên giúp giảm 63% nguy cơ tử vong.
Tiểu đường có uống được cà phê không?
Insulin (một loại hormone do cơ thể sản xuất tự nhiên) giúp các tế bào sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, quá trình tạo hoặc sử dụng insulin của cơ thể không hoạt động bình thường gây ra lượng đường trong máu cao.
Caffeine trong cà phê có khả năng làm giảm độ nhạy insulin, khiến các tế bào không phản ứng với hormone nhiều như trước. Từ đó, lượng đường từ máu không được hấp thụ nhiều và tăng cao hơn bình thường sau khi ăn, hoặc khó kiểm soát đường huyết ở người bị tiểu đường.
Hơn nữa, uống cà phê còn giúp giải phóng chất dẫn truyền thần kinh adrenalin, chất này vừa làm tăng đường huyết vừa gây ra triệu chứng run tay, hồi hộp.
Do đó, tuy vẫn có thể sử dụng với một lượng vừa phải nhưng không sử dụng cà phê là cách tốt nhất giúp người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát tốt đường huyết.
Người tiểu đường có thể uống bao nhiêu cà phê?
Theo FDA, hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 400 mg caffeine, khoảng 4 - 5 tách cà phê mỗi ngày. Đặc biệt, khi tiêu thụ 1.200 mg hoặc 0,15 muỗng canh caffeine nguyên chất sẽ gây tác dụng phụ như co giật.
Đối với những người có lượng đường huyết được kiểm soát chặt chẽ, ổn định vẫn có thể uống cà phê nhưng điều quan trọng là xác định lượng cà phê phù hợp và theo dõi lượng đường trong máu sau khi uống.
Bài viết trên chỉ mang tính tham khảo hi vọng đã giải đáp mottj phần thắc mắc của bạn