Suy thận mạn tính là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, tìm hiểu được nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị kịp thời có thể làm chậm diễn biến của bệnh.
Suy thận mạn tính là gì?
Bình thường, chức năng của thận là lọc máu, loại bỏ các chất thải chuyển hóa của cơ thể và nước dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Ngoài ra thận còn có chức năng nội tiết như tiết ra erythropoietin kích thích tủy xương sinh hồng cầu, góp phần trong điều hòa chuyển hóa calci, phosphor trong cơ thể... Suy thận mạn tính là tình trạng thận bị suy giảm hoặc mất chức năng đào thải các chất độc và nước thừa ra khỏi máu. Bệnh tổn thương thận mạn tính là tình trạng bệnh lý kéo dài. Nếu tổn thương thận và tình trạng giảm chức năng kéo dài hơn 3 tháng và không hồi phục thì được gọi là bệnh thận mạn.
Suy thận mạn tính rất nguy hiểm, bệnh không có dấu hiệu rõ rệt trong thời gian đầu, chỉ đến khi bệnh tiến triển mới có những triệu chứng cảnh báo.
Suy thận mãn tính là tình trạng thận bị suy giảm hoặc mất chức năng đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu
Nguyên nhân gây suy thận mạn tính
Nguyên nhân chính gây suy thận mạn tính là:
- Bệnh tiểu đường týp 1 và týp 2: Nồng độ đường trong máu tăng cao lâu ngày sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận khiến chức năng lọc chất thải và nước thừa của thận bị ảnh hưởng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn tính.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp cũng gây tổn thương các mạch máu nhỏ, tương tự như bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây suy thận mạn tính.
Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây suy thận mãn tính
Một số nguyên nhân khác gây suy thận mạn tính bao gồm:
- Tình trạng viêm cầu thận mạn do bệnh thận IgA, hội chứng thận hư do HIV/AIDS, bệnh nhân viêm gan B, viêm gan C, bệnh nhân lupus hoặc không rõ nguyên nhân...
- Nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận mủ) để lại nhiều vết sẹo khi lành. Tình trạng này kéo dài có thể khiến tổn thương thận
- Bệnh thận đa nang
- Dị tật bẩm sinh đường tiểu: Thường là do tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc các dị dạng liên quan đến thận
- Dùng nhiều với các loại thuốc kháng viêm giảm đau (ibuprofen và naproxen, NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid)), hoặc các loại thuốc thảo dược, thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc
Bệnh suy thận mạn tính có thể chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu. Nếu thấy các dấu hiệu suy thận như: người suy nhược, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, ăn không ngon, khó tập trung... thì nên đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.